Featured

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Các món giúp giải rượu dịp Tết

Tết là thời điểm được gặp, tụ tập bạn bè, người thân vì thế ít người có thể tránh khỏi những cơn say bia, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Để giúp ông xã giải rượu trong cơ thể, chị em hãy tham khảo các thông tin về món ăn dưới đây nhé!

Các loại nước uống

Bột sắn giây

Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây pha không cho đường hơi khó uống nhưng nó lại giúp cho gan tham gia đào thải độc tốt, giải rượu tốt.
Lá dong hoặc búp dong non

Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống. Búp dong non bạn có thể lấy về rửa sạch, giã ra lấy nước uống.

Nước quất (nước tắc)

Quất (hay còn gọi là tắc) rất hữu hiệu để giải rượu. Bạn có thể dùng quất tươi, quất khô hay quất ngâm chua đều tốt. Khi uống, pha cùng nước ấm và một thìa đường, 1 chút muối để nước uống thêm đậm đà, dễ uống.

Nước ép bưởi

Thịt bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Có thể sử dụng làm nước ép hoặc ăn trực tiếp đều có tác dụng giải rượu rất tốt.

Nước ép cà chua

Cà chua cũng giải ngộ độc và say rượu. Uống rượu say bị nôn không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm cho cơ thể mất đi một lượng lớn các chất nguyên tố cali, canxi, natri.... Cách đơn giản, dễ làm nhất là uống một cốc nước ép cà chua chín, sẽ kịp thời bổ sung cho cơ thể các nguyên tố nói trên.

Nước chanh

Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng ăn cả quả càng tốt.
Nước củ cải trắng

Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.

Nước cốt rau cần

Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

Nước giấm

Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.

Món ăn giải rượu

Dưa muối

Dưa muối và các thực phẩm lên men. Là một trong những món ăn lành mạnh cho sức khỏe. Những thực phẩm này giàu chất điện giải và nước muối giúp bạn ngăn chặn những cơn buồn nôn. Vì thế bạn nên ăn những món ăn này sau khi uống rượu.
Sữa chua

Sữa chua có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thu rượu, hơn nữa, hàm lượng canxi phong phú trong sữa chua còn rất tốt cho việc giải tỏa khó chịu sau khi uống rượu say.

Các chế phẩm từ đậu xanh

Ăn các sản phẩm chế từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.

Nước hãm

Nước trà

Trà búp 5 g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16 g, thái vụn. Hai thứ hãm với nước sôi uống.

Vỏ quýt khô

Vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) 30 g, có thể sao thơm; mơ chua 2 quả, cho vào khỏang 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống, thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.

Lưu ý

Các món ăn, đồ uống trên chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào tác hại của rượu vì thế, điều quan trọng nhất là không uống rượu quá nhiều, làm chủ bản thân trước những lời mời mọc của mọi người.

Theo T.H (Khám phá)

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Cách làm Mứt Dừa ăn Tết

Với những cách làm này bạn tha hồ tự tay làm ra những mẻ mứt dừa siêu ngon với nhiều màu sắc hấp dẫn cho ngày Tết.

Mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao

Nguyên liệu:

- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột cacao: 2 thìa cà phê
Thực hiện:

Mứt dừa non ăn rất ngon vì mứt khá dẻo và dai chứ không bị cứng cứng như mứt dừa làm từ dừa bánh tẻ. Nhưng để làm ra được 1kg mứt dừa non sẽ tốn khá nhiều quả dừa non vì mứt dừa non này mình làm hoàn toàn bằng loại dừa lấy nước uống nên phần cơm dừa không được nhiều. Các bạn có thể mua loại dừa non này ở những hàng bán dừa non, nhưng nên nói người bán chọn cho những quả có phần cơm dừa hơi dầy một chút.

Tốt nhất là các bạn nên mua lại những quả dừa đã được người ta bán hết phần nước cho khách, như thế sẽ vừa rẻ mà lại không bị lãng phí phần nước dừa vì không thể tiêu thụ hết một lúc. Hoặc trong những ngày nắng nóng, các bạn mua dừa non về uống hết nước. tiếp theo các bạn hãy tách lấy phần cùi non rồi cho vào túi bóng zip (hoặc hộp), cất vào ngăn đá tủ lạnh.

Các bạn cứ góp dần như thế cho đến khi được nhiều nhiều một chút, đủ để làm một mẻ mứt. Lúc này các bạn chỉ cần bỏ cùi dừa non ra khỏi tủ lạnh, rã đông rồi làm. Với mẻ mứt dừa non này là mình cũng làm từ cùi dừa non được cấp đông từ lâu.

Dùng dao chặt quả dừa làm 4, lấy 1 chiếc thìa (loại thìa cứng một chút) cạy lấy phần cùi non (vì là dừa non nên khó để nạo được những sợi dừa thật dài và mỏng như dừa bánh tẻ nên không cần phải tách cùi dừa còn nguyên hình dạng như với dừa bánh tẻ).

Gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, thái dừa thành miếng hoặc những sợi nhỏ dài cỡ cái đũa ăn cơm (nếu thái thành miếng thì thời gian sên mứt sẽ lâu hơn một chút).

Rửa dừa với nước để loại bỏ phần dầu dừa, rửa lặp đi lặp lại khoảng vài lần cho đến khi nước rửa dừa trong là được.

Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 1 phút. tiếp theo chắt bỏ nước, đổ dừa ra rổ cho ráo nước.

Cho 1/3 lượng đường và sữa tươi vào chảo, đun nhỏ lửa cho sữa ấm lên, dùng đũa quấy đều để đường tan. Cho 1/3 số dừa vào chảo, đun ở mức lửa trung bình, thi thoảng đảo đều. (Ở đây mình sên mứt dừa vị sữa trước vì mình sẽ tận dụng phần đường thừa không bám hết vào mứt cho mẻ sau).

 Khi nước đường cạn sền sệt thì hạ lửa về mức nhỏ nhất, đun liu riu và dùng đũa đảo liên tục để đường kết tinh bám trắng vào mứt. Vì mứt dừa non thái miếng khá dày cho nên nếu không sên cho mứt khô hẳn thì sau vài tiếng có thể mứt sẽ ra nước và ướt nhẹp.

Cho nên khi đường đã kết tinh bám trắng vào miếng mứt các bạn cứ vẫn tiếp tục đảo đều trên bếp như thế khoảng 10 -15 phút nữa. Khi cắn thử thấy bên trong miếng mứt có vẻ khô ráo và dẻo dai là được (khi đảo khô mứt trên bếp, lửa phải để thật nhỏ và đảo đều liên tục, tránh việc lửa to sẽ làm đường bị cháy).

Khi mẻ mứt dừa vị sữa đã được, các bạn cho mứt ra khay để hong cho mứt nguội và khô hơn. Phần đường thừa trong chảo các bạn cho thêm một ít nước và ½ lượng đường còn lại vào, đun cho đường tan hoàn toàn thì cho tiếp ½ chỗ dừa còn lại vào.

Đun cho đường cạn sền sệt thì rắc cacao vào, dùng đũa đảo đều và hạ lửa liu riu. Tiếp tục làm tương tự như mứt dừa vị sữa.

Để không bị lẫn mùi vị thì các bạn sên mứt dừa vị trà xanh bằng một chảo khác. Các bước sên mứt vị trà xanh sẽ làm tương tự như với mứt dừa non vị cacao.

Để mứt dừa non được khô hơn nữa thì sau khi sên, các bạn cho ra khay, đợi nguội rồi cho vào tủ lạnh 1-2 ngày.

Mứt dừa nhiều màu

Nguyên liệu:

- 2 trái dừa lựa quả đừng quá già (600gr) - 180ml sữa tươi - 350gr đường

- Màu hay vị các bạn cứ mua sữa đã có vị sẵn như sữa dâu, sữa chuối, sữa cam, sữa cà rốt hay sữa chocolate, sữa cacao...Đây là các loại sữa có đường nên các bạn hãy giảm lượng đường xuống còn 320gr thôi nhé.
Thực hiện:

- Dừa bổ làm đôi bỏ nước, hơ qua lửa hay cho vào lò nường 20 phút ở nhiệt độ 110 độ C (cách này gỡ vỏ dễ).

- Gọt bỏ phần vỏ nâu và rửa qua nước lạnh thật sạch.

- Bào dừa mỏng bằng dao hai lưỡi. Ngâm dừa vào nước lạnh 10 phút, tiếp theo sả qua nước lạnh thật sạch, để ráo.

- Sữa tươi, đường, dừa cho hết vào 1 cái âu to trộn đều.

 Những cách làm mứt dừa ngon - 6

-  Để như thế khoảng 2-3 tiếng cho đường tan.

- Cho dừa và nước đường vào chảo không dính, bắt lên bếp sên với lửa vừa, khi nước đường sôi bạn hãy hạ nhỏ lửa và tiếp tục sên cho đến khi đường kết tinh, mứt khô ráo thì tắt bếp.

- Đổ mứt ra khay, trong khi mứt còn nóng bạn gỡ những miếng mứt dài ra hay tạo hình hoa tùy thích.

 Lưu ý: Trong khi sên mứt bạn cần đảo đều để mứt không bị cháy nhé.
Theo Eva
Copyright © 2015 Nấu Ăn Là Một Nghệ Thuật
| Distributed By Gooyaabi Templates